[Mạng Cơ Bản] Phần 1: Giới Thiệu Về Mạng Máy Tính

Chào các bạn, mình lại làm thêm một Series nữa, lần này về Networking hay Mạng máy tính, mặc dù còn khá nhiều Series mình chưa hoàn thành xong nhưng bởi hiện tại mình đang trong quá trình học Networking nên mình sẽ thực hiện Series này như một cách hệ thống lại kiến thức của mình !

 

Trước khi bắt đầu theo học các chứng chỉ chuyên sâu hơn một chút là CCNA hay MCSA, hoặc cao hơn như CCNP, MCSE,…. thì theo mình, chúng ta cần trang bị các kiến thức liên quan đến mạng căn bản cũng như hiểu được một số khái niệm, thuật ngữ, thiết bị về mạng,… điều mà mình thấy khá nhiều người bỏ qua dẫn đến việc khá bỡ ngỡ khi bắt đầu theo học

 

Một điều cần phỉa nói nữa mà gần như ở bất cứ Series hay bài viết hướng dẫn, chia sẻ kiến thức nào mình cũng thường nhắc đến đó là: mọi kiến thức mình chia sẻ đều dựa trên sự hiểu biết, tìm hiểu và tự hệ thống của bản thân mình cho nên có thể xảy ra một số từ ngữ chuyên ngành hoặc cách hiểu của mình chưa hoàn toàn chính xác 100%, nếu các bạn phát hiện vui lòng để lại ý kiến góp ý cho mình ngay dưới phần bình luận. Okay, giờ bắt đầu nào

Định Nghĩa Về Mạng Máy Tính

Trước kia nếu để định nghĩa cho một người mới hoàn toàn về mạng máy tính thì có vẻ hơi khó khăn một chút, nhưng hiện tại với sự bùng nổ cực kỳ mạnh mẽ của Internet mà song song với đó hàng ngày chúng ta đều sử dụng các dịch vụ liên quan đến Internet thì chưa cần định nghĩa thì chắc hẳn các bạn đã hình dung được một phần nó như thế nào rồi. Okay, vậy chính xác mạng máy tính là gì ?

Mạng máy tính đơn giản là hai hoặc nhiều hơn hai máy tính được kết nối với nhau thông qua dây cáp mạng hoặc sóng không dây và chúng có thể trao đổi thông tin với nhau

Lợi Ích Mà Mạng Máy Tính Mang Lại

Nếu chỉ để trao đổi thông tin, dữ liệu thì chúng ta có thể sử dụng các thiết bị như USB, Ổ cứng di động (gọi chung là Flash Drive hoặc Portable Storage) là gọn rồi, tại sao phải tạo ra rồi thiết kế cả một hệ thống mạng phức tạp ?

Thực tế thì đã trả lời cho câu hỏi này rồi nhưng mình sẽ giải thích lại một chút: Tốc độ các bạn sử dụng Flash Drive để chuyển dữ liệu sẽ cực kỳ chậm chạp nếu một hệ thống mạng có khoảng 50 – 100 PCs trở lên, như vậy mỗi lần truyền dữ liệu buộc lòng bạn phải di chuyển tới từng máy tính để Copy dữ liệu rồi lại đem đến máy đích, thực sự rất mất công. Tiếp đó là Setup một hệ thống mạng giúp các bạn sử dụng các ứng dụng mạng (Network Application) giúp làm việc, trao đổi thông tin một cách thuận lợi hơn. Thử tưởng tượng việc bạn call video từ 1 điểm cách xa như HN – HCM là hiểu ứng dụng của mạng máy tính to lớn như nào rồi
Trong quản lý tập trung thì xây dựng một hệ thống mạng máy tính ổn định sẽ giúp người quản trị dễ dàng quản lý tài nguyên cũng như tài sản của công ty một cách dễ dàng hơn

Tại Sao Phải Tính Toán Khi Xây Dựng Một Mạng Máy Tính

Như định nghĩa, một mạng máy tính gồm các máy tính kết nối đến nhau, đơn giản là vậy thì sao phải lo lắng, tính toán tỉ mỉ khi xây dựng một hệ thống mạng máy tính ? Chẳng phải chỉ cần cắm dây mạng cho chúng là được hay sao ?

Bởi vì tùy theo mục đích mà độ phức tạp của một mạng máy tính cũng sẽ tăng lên chính vì vậy, để xây dựng một hệ thống mạng ổn định và bảo mật, chúng ta cần tính toán một cách chi tiết. Thường khi xây dựng một mạng máy tính sẽ nhằm các mục đích sau:
  • Chia sẻ files (Files Sharing): tức là chia sẻ các tệp tin với người khác, có nhiều cách thức để thức hiện như: đính kèm trực tiếp vào một email sau đó gửi cho người nhận hoặc đơn giản là cung cấp thông tin để người nhận truy cập vào máy tính của mình là lấy files
  • Chia sẻ tài nguyên: bạn có thể thiết lập tài nguyên trên một máy tính nhất định và chia sẻ nó với tất cả các máy tính khác trong mạng
    VD: bạn có một chiếc máy in, bạn setup nó trên máy A và sau đó thực hiện “share printer”, như vậy, các máy tính khác trong mạng cũng có thể sử dụng máy in này thông qua IP của máy A mà không cần mỗi lần in là phải mang dây tới cắm trực tiếp
  • Chia sẻ phần mềm: Thay vì phải cài đặt một phần mềm giống nhau cho mỗi một máy, chỉ cần cài đặt phần mềm vào một thư mục và tiến hành chia sẻ nó cho mọi người, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều công sức hơn.
    VD: Nếu có 20 máy tính cùng sử dụng một phần mềm giống nhau, đơn giản là bạn chỉ cần mua 20 key bản quyền (license) sau đó copy thư mục phần mềm đã được cài đặt vào ổ đĩa share và tiến hành share cho các máy khác truy cập vào, sử dụng như bình thường.
    Nhưng trong thực thế cách này thường không được áp dụng nhiều, vì tùy theo dung lượng của chương trình, tốc độ load qua mạng sẽ khá chậm, thay vào đó giải pháp là thực hiện quá trình Deploy (triển khai) hàng loạt tới các máy tính người dùng, quá trình này mình sẽ nói chi tiết ở các bài MCSA về sau.
    Lưu ý: dù hình thức nào đi chăng nữa, hãy nhớ mua đúng giấy phép sử dụng bản quyền để tránh các rủi do về mặt pháp lý cũng như an toàn cho công ty của bạn 😀

Máy Chủ Và Máy Trạm (Server & Client)

Trong thực tế, các bạn cũng thường nghe tới các thuật ngữ Server hay Client rồi, (ví dụ xưa chơi Gunny thì có đến cả trăm các Server đó thôi ) vậy chính xác thì ServerClient là gì ?

Máy chủ (hay Server) là máy tính trong mạng chứa dữ liệu về tệp (files), máy in và các tài nguyên khác để chia sẻ với các máy tính trong mạng khác
Ngược lại, bất cứ máy tính nào không phải máy chủ thì là máy trạm (Client)
Giờ chúng ta sẽ tiến hành so sánh sự khác nhau giữa 2 loại máy tính trong mạng này theo bảng dưới
Máy Chủ (Server) Máy Trạm (Client)
Thường là máy có hiệu năng lớn nhất và có giá thành cao nhất trong tất cả Giá thành rẻ hơn, hiệu năng thấp hơn
Sử dụng lưu trữ và chia sẻ tài nguyên tập trung của cả doanh nghiệp Được các người dùng cá nhân sử dụng làm việc mỗi ngày
Tính ổn định cao, chạy 24/7/365 mà vẫn bình thường Không chạy được thời gian dài
Số lượng ít, thường chỉ có một đến một vài máy chủ trong một hệ thống mạng máy tính của một công ty Số lượng nhiều, phụ thuộc vào số lượng nhân viên,…
Lưu ý: để đảm bảo sự ổn định cũng như an toàn của một mạng, nên sử dụng các máy chủ chuyên dụng chứ không nên sử dụng các máy tính trạm rồi cài cách dịch vụ của máy trạm, như vậy rất nguy hiểm đối với dữ liệu (trong thực tế, đặc biệt ở VN, việc tận dụng các máy trạm không đảm bảo chất lượng làm Server vẫn còn rất nhiều và nó gây ra sự mất an toàn về dữ liệu của doanh nghiệp)

Máy Chủ Chuyên Dụng Và Ngang Hàng

Ở đây chúng ta sẽ làm quen với hai thuật ngữ mới là Dedicated Server và Peers (Máy chủ chuyên dụng và Ngang hàng)

  • Trong một số hệ thống mạng, một máy chủ là một… máy chủ và không gì thay đổi cả. Nó có nghĩa là Server chỉ thực hiện các tác vụ chuyên dụng của nó như: cung cấp và chia sẻ tài nguyên để các máy Client trong mạng có thể truy cập.
Kiểu Server như vậy gọi là Dedicated Server bởi nó không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào khác ngoài các dịch vụ mạng chuyên dụng mà nó đang chạy
  • Một số mạng nhỏ hơn (trong các công ty vừa và nhỏ hiện nay) một giải pháp thay thế thường được sử dụng là sử dụng bất kỳ một máy tính nào trong mạng thực hiện chức năng của cả Client và Server. Như vậy, các máy tính đó có thể chia sẻ tài nguyên (thường là Files Server và Printer) với các máy tính khác trong khi vẫn thực hiện được các tính năng của máy trạm như là soạn thảo Word, làm Photoshop, Excel,…
Kiểu mạng như vậy là peer-to-peer (P2P) hay mạng ngang hàng bởi tất cả các máy tính trong mạng đều ngang hàng hay “bằng nhau”

Một vài lưu ý:

  • Mạng ngang hàng là một tính năng được tích hợp sẵn trên Windows, như vậy nếu bạn sử dụng HĐH Windows, bạn không cần phải mua thêm bất kỳ phần mềm nào để biến nó thành một Server
  • Các tính năng Server (Files Sharing, Printer Sharing,…) được tích hợp trên các phiên bản Windows Desktop (như Windows XP, 7, 8, 10) không có hiệu quả giống với các phiên bản Windows Server vì mục đích thiết kế chính của chúng không phải làm Server, nên hiệu năng đạt được không cao (sẽ có một số giới hạn nó ở các bài tiếp theo)
  • Nếu Server của bạn thực hiện các tác vụ thời gian dài, hay đòi hỏi phải chạy liên tục thì hãy sử dụng các phiên bản OS của Server để mang lại cả hiệu năng và tính ổn định cao
    • Đối với Windows có Windows Server 2019 là mới nhất hiện giờ (tuy nhiên đại đa số vẫn đang dùng 2008-2016 ở VN 🙁 )
    • Hoặc một lựa chọn khác là chạy các Distro Linux như Ubuntu Server, Centos, Redhat,… tuy nhiên chúng yêu cầu trình độ cao hơn về việc thiết lập cũng như vận hành các dịch vụ
  • Trong thực tế khá nhiều mạng máy tính trong các công ty sử dụng cả hai hình thức là Dedicated Server và P2P cùng một lúc, như vậy thì mạng đó sẽ bao gồm
    • Một Dedicated Server chạy Server OS như đã nói ở trên
    • Máy Client sẽ dụng các tính năng của Windows để chia sẻ tài nguyên của chúng cho mạng
Exit mobile version